Thầy thuốc ưu tú Ngô Đức Đễ: Xem bệnh nhân như người nhà của chính mình
Năm 2007, với ca phẫu thuật vỡ tim cho bệnh nhân Lê Thị Thúy Liêm tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bác sĩ Ngô Đức Đễ - Trưởng khoa ngoại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - trở thành bác sĩ đầu tiên được Thủ tướng thưởng nóng. Gia đình gốc Huế của ông có đến 8 người công tác trong ngành y, còn lại hầu hết đều trong ngành sư phạm. Có lẽ điều này tạo cho ông tác phong giản dị, chân thực, làm nhiều nói ít và không ham danh vọng. Một người kiệm lời trong vóc dáng nông dân, với ông, y đức không phải là điều gì đó quá cao siêu, mà đôi khi, đó chỉ là cái nắm tay thăm hỏi tận tình của người thầy thuốc với bệnh nhân.
* Với nhiều sự cố, như: bác sĩ thẩm mỹ thủ tiêu xác nạn nhân…, nhiều người cho rằng y đức đang xuống cấp trầm trọng. Là người đã có 35 năm trong nghề, ông có cho rằng những nhận xét trên có phần cào bằng, phiến diện?
- Tôi không dám quả quyết là y đức hoàn toàn “có vấn đề”, vì quan sát chung cho thấy cũng có rất nhiều thầy thuốc tốt, tận tâm. Song, xã hội đã lên tiếng thì hẳn là có, không nhiều thì ít. Dưới góc độ cá nhân, tôi chỉ muốn chia sẻ điều này: khi đến với ngành y bằng cái tâm, mọi việc sẽ khác. Những bậc thầy, trong nghề của chúng tôi, như: GS. bác sĩ Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di, GS. Phạm Biểu Tâm... là những người mà tôi rất tin, họ đến với nghề bằng tâm nguyện tốt và họ làm được rất nhiều điều cho bệnh nhân, làm lan tỏa giá trị y đức đến đồng nghiệp. Dĩ nhiên, cũng có những người vào nghề bằng suy nghĩ khác, không phải chỉ Việt Nam mà ở nước ngoài cũng có chuyện y đức bị vi phạm. Vậy chúng ta cần gì để giải quyết điều này? Tôi vẫn nghĩ, ngoài sự điều chỉnh của đạo đức và luân lý, chúng ta còn pháp luật. Nếu quản lý, xử lý đến nơi đến chốn, vi phạm sẽ bớt dần.
* Có người lý giải, một bác sĩ mỗi ngày tiếp xúc với hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân nên dễ trở nên... vô cảm! Điều này đúng hay sai? Và y đức thực sự là gì?
- Cũng có một chút. Bác sĩ cũng là người, sự quá tải hay mệt mỏi trong công việc cũng ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với bệnh nhân, khó lòng chu đáo hoàn toàn, nhưng tôi không nghĩ bác sĩ vô cảm. Chúng tôi vẫn đang tận tụy hàng ngày với công việc của mình. Ai từng tốt nghiệp y khoa cũng biết đến lời thề Hippocrates, biết những điều răn của Hải Thượng Lãn Ông. Với 35 năm trong nghề, tôi chỉ nghĩ đơn giản, y đức là khi chúng ta xem bệnh nhân như người nhà của mình. Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp, không ai “tinh” bằng người nhà, một thay đổi nhỏ trên nét mặt bệnh nhân, họ cũng nắm được. Và khi chia sẻ với họ, khi xem bệnh nhân là người thân, bác sĩ cũng ít khi chẩn đoán sai. Y đức cũng không phải là điều gì quá lớn lao dành riêng cho bác sĩ. Một điều dưỡng, một y tá cũng có thể thực hành y đức, vì đôi khi đó đơn giản chỉ là cái nắm tay, lời thăm hỏi chân tình.
* Theo ông, những bác sĩ ở thời điểm hiện tại, họ đang phải đối mặt với những áp lực gì? Và trăn trở lớn nhất của ông trong nghề?
- Vẫn là những áp lực từ nghề nghiệp và cuộc sống như bao nghề khác. Nghề y có chút khác biệt, xã hội dõi theo ngành y từng chút vì công việc chúng tôi làm liên quan đến sinh mạng và sức khỏe con người. Áp lực đó buộc chúng tôi không được sơ sót quá nhiều. Một thực tế là thi, học ở ngành y khó khăn vất vả, song lương bổng tại các bệnh viện nhà nước chỉ cao hơn lương công nhân một chút, dù làm việc phải trực ngày trực đêm, mỗi ngày tiếp cả trăm ca bệnh do quá tải bệnh nhân. Điều này khiến nhiều bác sĩ “bung” ra ngoài, kiếm tiền bằng cách mở phòng mạch, cho thuốc mà xao lãng chuyên môn, hoặc tìm cách kiếm thêm từ người bệnh. Tôi nghĩ chế độ lương thưởng cho bác sĩ tại các bệnh viện cần thích hợp hơn, cũng là để góp phần bảo vệ y đức.
* Bác sĩ và giáo viên được coi là những nghề được xã hội trân trọng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến, bác sĩ nên xem bệnh nhân là một khách hàng để có sự đối xử tốt hơn. Ông có cho rằng quan niệm như thế là đúng?
- Đã có nhiều bệnh viện tư xem bệnh nhân là những khách hàng thực sự, chỉ riêng bệnh viện công, do quá tải quá mức nên điều kiện chăm sóc, chữa bệnh chưa được hoàn thiện. Nhưng với tôi, việc có xem bệnh nhân là khách hàng hay không không phải là vấn đề quyết định. Cốt lõi vẫn là ở con người. Nếu người bác sĩ có tâm, tận tình chữa trị thì đều tốt. Bản thân nghề y là một nghề đặc biệt, nên nếu chỉ đơn thuần là khách hàng, còn tiền thì chữa, hết tiền thì thôi, cũng là điều đáng lo ngại.
* Nghề y là một nghề có sự thay đổi nhanh về kiến thức và kỹ thuật. Vậy, với những người trong nghề, học và tự học có vai trò ra sao? Bác sĩ có hài lòng với những người trẻ đã và đang tiếp nối công việc của mình?
- Tôi rất trân trọng sự học. Đừng bao giờ nghĩ cầm trong tay tấm bằng y khoa là có quyền ngừng học. Kỹ thuật chữa bệnh, thuốc, các phương pháp mổ, điều trị… thay đổi hàng ngày và không còn cách nào khác là phải sắp xếp để học. Hàng chục năm trước, chúng tôi đâu được học mổ sọ não hay mổ nội soi, chúng tôi cũng không được đào tạo chỉ để chuyên mổ tim. Tất cả đều phải học từng ngày. Tất nhiên qua thực tế, tay nghề sẽ lên, nhưng chúng tôi không được phép sai lầm nhiều. Học, đọc, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm… để kiến thức dày lên từng ngày là điều bắt buộc mà không bằng cấp nào “lo” nổi.
Với thế hệ trẻ, tôi chỉ có chút buồn là các em ít hỏi quá. Hãy hỏi liên tục, tại sao thế này, tại sao thế kia, triệu chứng này là sao… thì mới vững tay nghề lên được.
* Ngành y trọng tay nghề, vinh dự cũng đến từ nghề. Nhưng gần đây, chạy theo bằng cấp cũng là một hiện tượng đáng lo ngại trong ngành. Ông có “dị ứng” với điều này?
Ít ai biết, từ năm 1994, với sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Đễ là một trong những bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiến hành phẫu thuật sọ não. Đến năm 2001, ông cùng các đồng nghiệp khoa ngoại đã bắt đầu triển khai kỹ thuật mổ nội soi. Đến nay, bác sĩ Đễ đã có 35 năm công tác tại khoa ngoại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, gần 20 năm giữ vị trí trưởng khoa và vẫn được giới y khoa Đồng Nai xem là “bàn tay vàng” trong phẫu thuật, phụ trách nhiều ca phẫu thuật khó khăn. Ca mổ phức tạp gần đây nhất của ông là ca phẫu thuật cho một công nhân của Vinacafé Biên Hòa bị máy chế biến cà phê cắt đứt ngang người. Năm 2008, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III. |
- Với ngành y, chạy theo bằng cấp thay vì trau chuốt tay nghề là tối kỵ. Nhưng ở nhiều trường hợp, để được cất nhắc, người ta đòi hỏi bằng cấp quá nhiều. Đây vẫn là lỗi hệ thống. Tôi cũng không dị ứng gì nếu bằng cấp và chức vụ xứng đáng với chuyên môn và tay nghề bác sĩ. Chỉ lo là nếu chăm chăm chạy theo bằng cấp, không lo chữa bệnh, bỏ rơi y đức, không rèn luyện tay nghề… thì rất nguy hiểm. Còn nếu có bằng tiến sĩ, thạc sĩ y khoa và tay nghề giỏi, có tiếng tăm thì quá tốt. Song, trong suy nghĩ của tôi, bằng cấp lớn nhất chính là tay nghề người bác sĩ.
* Điều gì là hạnh phúc nhất với ông sau 35 năm trong nghề? Là những lần được Thủ tướng khen ngợi, hay sự nhắc nhớ của bệnh nhân?
- Được khen đúng bao giờ cũng là vinh dự. Nhưng tôi không làm nghề để lấy lời khen, cũng không làm vì để được bệnh nhân nhớ ơn. Món quà lớn nhất của tôi là trả lại được sức khỏe cho người bệnh. Nhưng sự nhắc nhớ của bệnh nhân, có người sau hàng chục năm vẫn gọi điện chia sẻ, chúc tết, hỏi thăm… cũng làm tôi rất hạnh phúc.
* Công việc áp lực lớn, ông làm gì để sống cân bằng và vui vẻ? Và ông có tiếc nuối điều gì trong suốt mấy chục năm theo nghề không?
- Ngoài phẫu thuật, chữa bệnh hay đọc tài liệu y khoa, tôi thích sống yên tĩnh, làm vườn, sửa máy cày, máy kéo. Tuổi 60, sau khi nghỉ ngơi, tôi vẫn có nhiều việc phải làm, một trong số đó là khám bệnh. Trong nghề, tôi nghĩ mình đã tận tâm và không có nuối tiếc nào quá lớn, chỉ mong mỏi rằng mọi thứ sẽ tốt hơn nữa trong nghề mà tôi đã chọn.
Xin cảm ơn ông!
Dẫn thông tin từ báo Đồng Nai.