Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh viêm gan B có nguy hiểm không, triệu chứng như thế nào?
Hỏi đáp: Chào bác sĩ, tôi năm nay 42 tuổi, hai tuần trước tôi có đi khám sức khỏe tổng quát có kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính và được chẩn đoán là viêm gan B. Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh viêm gan B có nguy hiểm không, triệu chứng như thế nào và tôi nên làm gì khi bị viêm gan B?
Trả lời: Chào bạn, viêm gan B được gọi đầy đủ là viêm gan siêu vi B, là một bệnh truyền nhiễm gây ra do một loại vi rút có tên “vi rút viêm gan B” (hay “Hepatitis B virus” viết tắt là HBV). Mặc dù đã có vắc xin phòng ngừa hiệu quả bảo vệ tới hơn 98%, tuy nhiên viêm gan B vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng có liên quan tới hơn 30% các trường hợp xơ gan và gần 50% ca ung thư gan trên toàn thế giới.
Một điều đặc biệt đó là có tới 90% bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B không có biểu hiện triệu chứng cho đến khi có biến chứng xơ gan hay ung thư gan. Vì thế viêm gan B được ví như kẻ giết người thầm lặng. Chỉ một số bệnh nhân viêm gan B cấp hay bùng phát có thể có triệu chứng như vàng da, tiểu vàng sậm, mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, đau bụng, sốt nhẹ hoặc thậm chí không sốt.
Khi bạn có xét nghiệm HBsAg dương tính bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa gan để được thăm khám và làm thêm một số xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng gan, xác định giai đoạn và tình trạng hoạt động của vi rút, từ đó bác sĩ sẽ có quyết định thời điểm điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng vi rút cũng như theo dõi phát hiện sớm các biến chứng xơ gan, ung thư gan. Những bệnh nhân viêm gan B được điều trị đúng chỉ định giúp kéo dài thời gian diễn tiến tới xơ gan và giảm tới 77% nguy cơ ung thư gan.
Ngoài ra người bị viêm gan B nên kiêng rượu bia, tránh tự ý sử dụng các thuốc gây tổn thương gan, nên uống nhiều nước và ăn nhiều các loại trái cây như cà chua, bưởi, cam.., cá biển do có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, selenium, nên tiêm ngừa viêm gan A và các bệnh nhiễm trùng khác như cúm, phế cầu. Bên cạnh đó vì viêm gan B lây qua ba con đường chính đó là máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con bạn cần phòng ngừa lây nhiễm cho người xung quanh bằng cách không sử dụng chung kim tiêm, các dụng cụ cá nhân có khả năng dính máu như dạo cạo râu, bàn chải đánh răng, quan hệ tình dục an toàn và nếu có dự định mang thai hay đang mang thai bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và điều trị phòng ngừa lây truyền cho thai nhi. Đồng thời bạn cũng nên tư vấn cho người trong gia đình đến cơ sở y tế để khám tầm soát và tiêm ngừa viêm gan B.
Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh.